Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chế độ bảo hiểm được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện. Những người lao động không thuộc cơ quan, đoàn thể nào, không tham gia BHXH bắt buộc hoàn toàn có thể lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Tham gia BHXH tự nguyện là nhu cầu chung của nhiều người dân nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quy định liên quan đến loại hình bảo hiểm xã hội này.
1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện (Viết tắt: BHXH tự nguyện) là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia bảo hiểm được quyền lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với tài chính của mình.
Căn cứ theo Khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/ 2014 quy định công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Và khi nào cần tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động căn cứ theo đúng quy định nêu trên xem mình thuộc nhóm đối tượng nào để có thể đóng BHXH.
II. Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những chế độ nào?
Căn cứ Điều 4, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất. BHXH bắt buộc người lao động sẽ được hưởng các chế độ bao gồm: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
Có thể thấy, so với chế độ BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động). Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia BHXH tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ Điều 87, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết mức đóng bảo hiểm xã hôi tự nguyện cho người lao động như sau: Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:
a) Hằng tháng;
b) 03 tháng một lần;
c) 06 tháng một lần;
d) 12 tháng một lần;
đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này.
Năm 2022, thay đổi mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng (trước đó năm 2019 là 700.000 đồng/tháng) do đó mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất và mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao tham gia BHXH tự nguyện như sau:
Có thể thấy người lao động được tự do lựa chọn mức đóng BHXH tự nguyện cho mình và có sự hỗ trợ từ Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để người lao động có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể tham gia BHXH, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội ở mức cao hơn.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
Căn cứ Chương IV, Luật BHXH Việt Nam 2014 quy định chi tiết về mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện, cụ thể như sau:
3.1. Mức hưởng chế độ hưu trí
Lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH, trong đó:
– Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm.
– Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ mỗi năm thì được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, Người lao động “đóng bhxh bao nhiêu năm thì được hưởng lương hưu?” năm 2022 sẽ là từ đủ 20 năm trở lên. Trong trường hợp người lao động chưa đóng đủ 20 năm BHXH đã đến tuổi về hưu có thể tiếp tục đóng BHXH tự nguyện đến đủ 20 năm để được hưởng lương hưu.
Trợ cấp 1 lần:
Mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
BHXH 1 lần: Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 01 năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
3.2. Mức hưởng chế độ tử tuất
Trợ cấp mai táng
Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
Trợ cấp tuất
Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:
1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);
02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);
Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;
Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.
Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.
Đóng BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?
Liên quan đến quyền lợi hưởng BHXH tự nguyện, như đã đề cập bên trên thì tính đến năm 2022 người tham gia sẽ chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất theo quy định tại Luật BHXH.
Trước thông tin cho rằng, người dân khi tham gia bảo hiểm tự nguyện được hưởng chế độ thai sản là không có căn cứ và chưa có quy định cụ thể nào.
Do đó, người dân khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không được hưởng chế độ thai sản giống như khi tham gia BHXH bắt buộc.
Như vậy, trong bài viết trên đây Hồ Thị Thắm đã gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất về chế độ BHXH tự nguyện tại Việt Nam. Mong rằng có thể cung cấp đến cho độc giả một góc nhìn tổng quan và những thông tin hữu ích nhất.